NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN-NHỮNG CHUYỆN GIẬT MÌNH

Nhiễm khuẩn bệnh viện - Những chuyện giật mình

Thứ bảy, 17/01/2009, 00:34 (GMT+7)

Với khoảng hơn 600.000 trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) mỗi năm dẫn đến hậu quả là kéo dài thời gian nằm viện từ 9 ngày đến 24 ngày, làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 triệu đến hơn 32 triệu đồng, NKBV thực sự là một thách thức lớn với chất lượng khám và chữa bệnh cho người dân...

Hậu quả khôn lường

Chăm sóc bệnh nhân tại BV Nhân dân 115 TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Cho đến giờ này, sau khi đã được các bác sĩ Khoa Lồng ngực mạch máu, BV Chợ Rẫy phẫu thuật, điều trị lấp kín phần ngực bị trống hoác rỉ mủ hơn một năm nay, bệnh nhân Đ.V.K. vẫn chưa hết rùng mình khi kể lại chứng bệnh quái ác do NKBV mà anh phải chịu đựng hơn một năm ròng.

Trước đó, cuối năm 2007, anh K. bị tràn dịch màng phổi khá nặng và đã được chỉ định mổ. Với vết mổ này, các bác sĩ cho biết chỉ khoảng 2 tuần sau anh có thể xuất viện và khoảng 1 tháng là sức khỏe hoàn toàn ổn định.

Tuy nhiên do sau đó anh phải chuyển qua BV P. để điều trị lao đã bị nhiễm từ trước đó, tại đây, anh K. bị NKBV khiến vết mổ không thể khép miệng mà liên tục chảy mủ, vết thương ngày càng lan rộng, cả một khoảng ngực với đường kính 25cm của anh K. bị trống hoác, tấy mủ.

Theo miêu tả của anh K., anh có thể dung đèn pin rọi qua lỗ trống đó để “tham quan” lục phủ ngũ tạng của mình. Trong suốt 1 năm, anh K. không thể nằm, ngồi vì liên tục bị cơn đau nhức hành hạ.

Anh K. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân chịu hệ quả khủng khiếp từ NKBV, trong đó, con số bị tử vong do NKBV cũng chiếm tỷ lệ rất cao.

Theo Hội Kiểm soát NKBV: Việc bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sẽ làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9 ngày đến 24 ngày và làm tăng chi phí điều trị từ 2 triệu đồng đến 32,3 triệu đồng, đặc biệt tình trạng nhiễm khuẩn huyết trong BV hiện nay đã khiến các chuyên gia phải lên tiếng báo động vì tỷ lệ mắc và tử vong rất cao.

Mặt khác do phải dùng nhiều kháng sinh để đối phó với NKBV nên tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng.

Theo TS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM: Sự kháng kháng sinh của vi khuẩn, việc thiếu thốn các phương tiện phục vụ công tác vệ sinh trong BV, ý thức vệ sinh kém của nhân viên y tế là những yếu tố làm tăng sự phát triển và lan truyền nhiễm khuẩn trong BV. Điều này đã làm cho BV trở thành một nơi đầy nguy hiểm, nếu không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu để đề phòng sự phát triển và lan truyền của các loại vi khuẩn.

Những yếu tố gây nhiễm khuẩn ở bệnh viện

Trong khi chờ môi trường BV được cải thiện, các bác sĩ cũng khuyên người nhà bệnh nhân khi vào thăm bệnh nên hạn chế cho trẻ em hay người già đi cùng vì với sức đề kháng yếu, đây là những đối tượng rất dễ bị NKBV. Ở một số BV hiện nay đã cấm người lớn đi thăm bệnh dẫn trẻ nhỏ đi cùng.

Trên thực tế có khoảng 8% tổng số bệnh nhân vào viện bị NKBV, tập trung chủ yếu ở các khu vực cấp cứu và ngoại khoa.

Theo nghiên cứu của Hội Kiểm sóat nhiễm khuẩn, có 5 lọai nhiễm khuẩn thường gặp: nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn máu.

Ở những bệnh nhân bị phẫu thuật, nguy cơ NKBV cao gấp 2,4 lần so với điều trị nội khoa. Nguy cơ này ở những bệnh nhân mổ cấp cứu cao hơn 1,4 lần so với người mổ chương trình.

Theo TS Lý Ngọc Kính – Vụ trưởng Vụ Điều trị Bộ Y tế: Tình trạng vệ sinh môi trường kém và ý thức vệ sinh của cán bộ y tế hiện nay chính là yếu tố gây NKBV. Ông Kính cho biết, hầu hết BV hiện nay là BV được xây dựng từ những năm 1950, tuổi thọ trung bình là gần 50 năm nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, nhiều BV chưa có hệ thống xử lý chất thải.

Một cuộc điều tra của Bộ Y tế cho thấy, 39% BV không có tủ đựng dụng cụ tiệt khuẩn, 40% BV để chất thải y tế với chất thải sinh hoạt đem đổ tại bãi rác đô thị. Việc vệ sinh BV cũng chưa được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phương pháp vệ sinh thô sơ, không sử dụng đúng hóa chất cần thiết. Việc dùng một tải lau để lau nhiều phòng bệnh của đội ngũ làm vệ sinh ở nhiều BV hiện nay đang dẫn đến nguy cơ phát tán vi khuẩn, nhiễm khuẩn chéo.

Ngoài ra, tình trạng các nhân viên y tế không có ý thức tuân thủ đúng quy trình rửa tay trong quá trình điều trị cũng là một nguyên nhân chính yếu khác dẫn đến tình trạng gia tăng NKBV.

Kết quả xét nghiệm vi sinh trên bàn tay nhân viên y tế của một BV mới đây cho thấy, trung bình mỗi bàn tay có khỏang 270.000 vi khuẩn, tuy nhiên cho đến nay vẫn có khỏang 60% cán bộ nhân viên y tế lười rửa tay.

Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân đáng lưu ý là do tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý làm tăng nguy cơ NKBV! Tình trạng quá tải ở nhiều BV hiện nay cũng là nguy cơ khiến bệnh nhân sau khi vào BV phải rước thêm một bệnh khác.

Hiện nay hầu hết các BV lớn đều thường xuyên quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm chen chúc nhau trên một giường, có khi một phòng mổ cùng lúc thực hiện 2-3 ca mổ với những loại bệnh khác nhau, điều này cũng khiến người bệnh lãnh hậu quả là bị nhiễm trùng sau mổ.

Khảo sát ý kiến từ các cấp lãnh đạo, quản lý BV, hầu hết các vị lãnh đạo đều thấy rằng hiện nay NKBV là một vấn đề đáng báo động nhưng đa số đều chưa xác định được yếu tố cần thiết để ngăn ngừa. Mặt khác, một số BV cho rằng, với tình trạng quá tải như hiện nay, nhiều bệnh nhân còn phải nằm ghép, trang thiết bị chưa thật đầy đủ thì tình trạng NKBV khó có thể cải thiện.

Theo các chuyên gia y tế: NKBV là sự lan truyền của các loại vi sinh vật gây bệnh tới những bệnh nhân thông qua quá trình điều trị hoặc chăm sóc. Những vi sinh vật này có thể phát triển ngay trong khi bệnh nhân nằm viện hoặc sau đó. Chúng có thể được truyền vào người bệnh trong quá trình điều trị nhưng cũng có thể đã có sẵn ở trên người bệnh.

Loại nhiễm khuẩn này bao gồm cả những bệnh mà nhân viên BV có thể mắc phải thông qua công việc hàng ngày của họ, nó không giới hạn ở các BV mà ở các phòng khám, phòng răng cũng là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Bệnh nhân là đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm khuẩn bởi lẽ họ đã bị suy yếu vì bệnh tật, thương tổn, ngoài ra, những đối tượng có sức đề kháng giảm như trẻ sơ sinh, người cao tuổi cũng rất dễ NKBV.

 

KIM LIÊN

 (Đường link gốc : http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2009/1/178802/ )

Xem thêm